Hãy nói một chút về Hayao Miyazaki và nghệ thuật.
Đạo diễn Hayao Miyazaki quen thuộc với công chúng trong hình ảnh chiếc tạp dề vẽ luôn sạch tinh tươm, cùng với một đời tư kín tiếng, ngoại trừ câu chuyện ông xung đột với con trai Goro Miyazaki. Một trong những lý do xung đột, bắt nguồn từ việc Goro muốn theo đuổi công việc làm đạo diễn hoạt hình, nhưng bố của anh lại cho rằng anh không đủ tư cách.
Đạo diễn Hayao Miyazaki tự nhận mình là nô lệ của điện ảnh. Về tinh thần này, chúng ta sẽ bắt gặp ở rất nhiều người làm nghệ thuật, từ quốc tế cho đến Việt Nam, trải dài ở khắp các lĩnh vực. Nữ diễn viên Thang Duy coi điện ảnh là một ngôi đền và cô là một tín đồ trung thành cả đời với nó. Mario Puzo – tác giả của The Godfather tự nhận mình là một con chiên của nghệ thuật. Còn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xem nghệ thuật là một cuộc chơi tự dâng hiến của người nghệ sĩ, và tự thân sự dâng hiến ấy đã là hạnh phúc, bất chấp nó được chấp nhận hay bị khước từ.
Còn với Hayao Miyazaki, ông là nô lệ của điện ảnh và đồng thời là nô lệ của khán giả. Với ông, sáng tạo nghệ thuật là “vẽ từ nỗi đau”. Khi thực hiện một bộ phim, trong đầu ông sẽ luôn có một tâm niệm: “Dù có khó khăn thế nào, hoàn thành storyboard đi đã rồi hãy ch.ết”. Làm đạo diễn với ông không phải việc dễ dàng: “bạn phải lao động cật lực, làm cho đến khi phải chảy máu cam” – mà đôi khi với tất cả sự chăm chỉ như thế, là còn chưa đủ.
Thế nhưng với ông, nếu nghệ thuật mà chỉ vì chính bản thân nó và vì niềm vui cá nhân của người làm ra nó, là không đủ. Ông luôn sáng tác bằng cả trái tim và khối óc, mà trái tim của ông thì luôn hướng về những đứa trẻ. Khi tạo ra bất cứ hình ảnh nào, suy nghĩ đầu tiên của ông sẽ luôn là: “bọn trẻ có thích thú không?”, “bọn trẻ có quan tâm không?” và “bọn trẻ có hiểu không?”.
Mục đích cuối cùng của nghệ thuật mà Hayao Miyazaki tạo ra, đó là khiến cho khán giả cảm thấy hạnh phúc khi thưởng thức chúng.